Sóc Trăng triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, góp phần bảo đảm quyền con người tại địa phương
Xác định công tác dân tộc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Trong những năm qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, đầu tư phát triển vùng đồng bào và hỗ trợ đời sống đồng bào DTTS, tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi để các DTTS ngày càng phát triển ngang tầm với các dân tộc khác trên địa bàn.
 
Năm 2021, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội cả nước nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp, kịp thời chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện quyết liệt có hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Trung ương, đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội và “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19”. Tỉnh đã kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động của đại dịch, với tổng số tiền trên 40 tỷ đồng; hỗ trợ cho 92 chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng... 
 
Tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS. Ưu tiên giải quyết những khó khăn, bức xúc của đồng bào DTTS. Tổ chức thực hiện tốt các chính sách dân tộc gắn với việc đẩy mạnh Chương trình xây dựng nông thôn mới... đặc biệt là chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030. Chủ động nắm bắt diễn biến, tác động của dịch bệnh Covid-19 ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đề ra các giải pháp nhằm kịp thời hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực học tập, lao động, phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Nhờ đó, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tiếp tục phát triển theo hướng tích cực; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 2,66% (năm 2020); trong đó, hộ nghèo DTTS giảm còn 3,77% (so với tổng số hộ DTTS); đời sống đồng bào ổn định và ngày càng được nâng cao.
 
Công tác giáo dục và đào tạo được quan tâm, chú trọng. Tỉnh đã tập trung đầu tư hệ thống cơ sở vật chất; củng cố và phát triển hệ thống trường dân tộc nội trú; tăng cường bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ nhà giáo, hỗ trợ chi phí học tập, sinh hoạt, miễn, giảm học phí và trợ cấp khác đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số... Từ đó, công tác giáo dục và đào tạo đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, 100% xã đã có trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở; 100% huyện có trường trung học phổ thông. Tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp đạt trên 95%. Chất lượng dạy và học ngày được nâng lên. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông của các trường dân tộc nội trú năm học 2020- 2021 đạt 100%. Chính sách dạy và học tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số được duy trì và phát triển tại các điểm trường, chùa Khmer trong tỉnh. Đặc biệt, hiện nay tỉnh đã ban hành và áp dụng chính sách đặc thù hỗ trợ người dạy tiếng và chữ Khmer vào dịp hè; tiếng và chữ Hoa tại các trường ngoài hệ thống các trường công lập trên địa bàn tỉnh, năm học 2020-2021 tỉnh đã hỗ trợ cho 51 giáo viên dạy tiếng và chữ Hoa tại các trường ngoài hệ thống các trường công lập với tổng số tiền trên 900 triệu đồng.
 
Công tác chăm sóc sức khỏe và thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế dự phòng trong vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện tốt, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.Việc đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh được quan tâm thực hiện. Công tác khám chữa bệnh cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng bảo hiểm y tế được triển khai thực hiện tốt, các quy trình khám chữa bệnh đáp ứng nhu cầu của người dân. Tỉnh đã thực hiện tốt chính sách cấp phát miễn phí thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng là hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời, hỗ trợ kinh phí để mua thẻ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo (ngân sách tỉnh hỗ trợ 30%, ngân sách Trung ương hỗ trợ 70%), đảm bảo 100% hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế...
 
Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm chú trọng. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mặc dù các hoạt động văn hóa trong các ngày lễ, tết truyền thống không được tổ chức nhưng các giá trị văn hóa truyền thống vẫn được bảo tồn và phát huy. Trong dịp lễ, tết của đồng bào dân tộc Khmer năm 2021, tỉnh đã tổ chức họp mặt và thành lập các đoàn thăm, tặng quà cho cán bộ hưu trí, gia đình chính sách và các chùa Phật giáo Nam tông Khmer với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng. Ngoài ra, các ngành các cấp trong tỉnh cũng đã quan tâm thực hiện tốt việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc, nhất là đối với gia đình chính sách, các gia đình nghèo, tạo điều kiện cho đồng bào tổ chức lễ tết theo phong tục tập quán gắn với công tác phòng, chống dịch bệnh. Từ đó tạo tiền đề, xây dựng vững chắc lòng tin của đồng bào dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.
 
Trong năm qua, mặc dù chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, song bằng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn Đảng bộ và sự đồng thuận cao của nhân dân trong tỉnh, đến nay, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát triển; các chính sách đầu tư đã có tác động rất lớn đến các mặt kinh tế, văn hóa, đời sống xã hội, phát huy được sức sáng tạo của người dân, làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn vùng dân tộc, đời sống đồng bào dân tộc được cải thiện rõ rệt, quyền của các dân tộc thiểu số được bảo đảm đầy đủ và toàn diện hơn./.
 
Ban Dân tộc tỉnh
 
Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 77711969

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.